Một cảnh trong ''Rừng thế mạng.'' (Ảnh: Galaxy)
Phim mạnh càng mạnh, yếu càng yếu
Với nhiều ảnh hưởng chưa thể lường trước từ dịch COVID-19, cuộc đua của các phim Việt thời điểm đầu năm 2022 cũng khó khăn như một cuộc sinh tồn. Ra phim lúc nào để hạn chế thất thu, hạn chế phát sinh chi phí nhất là nỗi băn khoăn không của riêng ai. Cùng với đó, phim càng đắt khách thì càng dễ có nhiều suất chiếu đẹp, "giờ vàng” và ngược lại.
Khi các bộ phim được ra rạp, phim càng có tiềm năng sẽ càng chiếm ưu thế, còn phim nhỏ, không hội tụ đủ các yếu tố để hút khách sẽ thua lỗ càng nhanh. Đó là nhận định của nhiều nhà sản xuất, đạo diễn. Nhà sản xuất, đạo diễn Kay Nguyễn (“Cô Ba Sài Gòn,” “Hai Phượng”...) cho rằng phim ra rạp cũng sẽ giống như các doanh nghiệp F&B (dịch vụ kinh doanh ẩm thực). Nếu đã mạnh sẽ càng mạnh, yếu sẽ càng yếu.
“Hậu dịch, nhu cầu giải trí, tiêu dùng của người dân sẽ tăng. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhỏ vì lao đao từ trong dịch nên khó trụ vững được, thậm chí phá sản. Trong khi đó các doanh nghiệp kinh doanh lớn sẽ ngày càng lớn hơn, thậm chí mở rộng thêm mặt bằng để đáp ứng nhu cầu thị trường,” bà Kay cho biết.
Để tối ưu hóa lợi nhuận đồng thời nhằm phục hồi sau hơn nửa năm chịu lỗ nặng nề, các nhà rạp được cho là sẽ ưu tiên suất chiếu đẹp, “giờ vàng” cho những phim có sức hút lớn.
Nhìn lại thời điểm đầu năm 2021, nhà sản xuất của “Võ sinh đại chiến” của đạo diễn Bá Cường đã chủ động rút phim khỏi rạp vì cho rằng phim bị nhà rạp ép suất chiếu. Chia sẻ với Báo VietnamPlus, nhà sản xuất-đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn với nhiều năm quan sát và hoạt động trong ngành làm phim cho biết: Đây là câu chuyện có thật từ nhiều năm nay, từng xảy ra với nhiều phim chứ không riêng gì “Võ sinh đại chiến.”
Tuy nhiên, liên quan đến câu chuyện có cần hay không những chính sách nhằm đảm bảo giờ chiếu tối thiểu, cần thiết cho phim Việt (nhằm tránh hiện tượng bị phim ngoại lấn lướt), ông Tuấn cũng khẳng định là “vừa không cần thiết, vừa không khả thi” trong thời điểm rạp khốn đốn như hiện nay.
“Nếu là phim dở thì không ai đi xem, nhưng nếu được chiếu chắc chắn một số suất thì có thể yên tâm hơn một chút về doanh thu. Trong trường hợp đó, nhà rạp sẽ thiệt một chút, thế nên không áp dụng được trong giai đoạn khó khăn này,” ông cho biết.
Loạt phim với chất lượng điện ảnh và nội dung chưa tốt trong năm qua cũng chịu số phận tương tự. “Cậu Vàng” của đạo diễn Trần Vũ Thủy, “Kiều” của nhà sản xuất Mai Thu Huyền… khi ra rạp đã chịu số phận thảm thương, mang về doanh thu lần lượt chỉ khoảng 2,7 và 3,7 tỷ đồng. Nhà sản xuất Kay Nguyễn cho rằng việc “dẹp rạp” - tức là nhà rạp dẹp phim yếu, ưu tiên phim mạnh là một phần nguyên do khiến doanh thu các bộ phim trên thấp đến như vậy.
Vạn sự tùy… dịch
Thời điểm đầu năm, thậm chí cả năm 2022 được cho là sẽ ngày càng khó khăn hơn cho phim Việt. Trong thời điểm dịch vẫn hoành hành, các cụm rạp ở nhiều nơi, trong đó có Hà Nội - thị trường lớn thứ hai cả nước, tiếp tục đóng cửa.
Một số nhà sản xuất cũng cho rằng dịch bệnh có thể đe dọa cả những nơi đã ổn định trở lại như Thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó, những khó khăn cho nhà sản xuất càng bị cộng hưởng gấp nhiều lần.
“Tôi nghĩ sự cạnh tranh giữa các phim Việt trong năm 2022 sẽ khốc liệt hơn, yếu tố sống còn của một bộ phim sẽ nằm ở chính chất lượng của nó,” đạo diễn Trần Hữu Tấn của phim “Rừng thế mạng” nhận xét.
Bộ phim sinh tồn đầu tiên này của Việt Nam đã phải đối mặt với “Người nhện: Không còn nhà,” “Ma trận 4,” “Quá nhanh, quá nguy hiểm 9” hay tập James Bond cuối cùng của Daniel Craig khi chọn ra mắt đúng ngày 31/12/2021.
Hiện nay, một số phim như “Em và Trịnh,” "Thanh Sói" đã dự kiến chiếu trong tháng 3 và tháng 4/2022; “1990,” “Chìa khóa trăm tỷ” và cả “Trạng Tí phiêu lưu ký” tuyên bố tham gia cuộc đua Tết 2022… Song nhiều phim khác như “578: Phát đạn của kẻ điên” và "Bẫy ngọt ngào" lại chưa có thông báo cụ thể.
Từng tiết lộ con số thiệt hại 17 tỷ đồng vì phải hoãn chiếu phim, đạo diễn Lương Đình Dũng của "578: Phát đạn của kẻ điên" cho biết một bộ phim dời lịch chiếu chịu nhiều phát sinh kinh phí đủ đường.
“Cái khó là ngành phim không được sản xuất, phát hành, nhưng chi phí vẫn phải chi trả để chờ đợi hoặc tồn tại để chờ cơ hội. Cùng với đó, các cụm rạp tại Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc khó có khả năng mở lại trong tháng Hai này, điều đó làm hao hụt một phần lớn doanh thu của bộ phim,” ông nói thêm.
Với tình cảnh hiện nay, ông cho rằng dù ra mắt ngày lễ, Tết thì có lẽ, doanh thu phim cũng không thay đổi đáng kể gì vì mọi người vẫn lo ngại dịch. “Khán giả không có phim này thì họ sẽ xem phim khác, hơn là chẳng may nhiễm bệnh. Có lẽ không ai muốn bản thân phải hối hận chỉ vì đi xem một bộ phim,” ông Dũng kết luận.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/phim-viet-2022-tu-phim-sinh-ton-dau-tien-den-cuoc-sinh-ton-nam-moi/768382.vnp