Thêm giỏ hàng
Bạn cần đăng nhập
Thêm yêu thích
Đã có trong yêu thích
Thay đổi thành công
Thêm so sánh
Đã có trong so sánh
So sánh tối đa 3sp
Tệp tin không hợp lệ
Rate thanh cong

Sự hồi sinh của phim truyền hình Việt: Một cuộc chơi mới đang bắt đầu

Dường như, những năm gần đây, các nhà làm phim và cả các nghệ sĩ đang dần lấy lại phong độ và cảm hứng để sáng tạo cũng như cống hiến cho khán giả những bộ phim có chất lượng chỉn chu cùng nội dung thú vị, hấp dẫn. Với những sự nỗ lực mang tính đột phá, sau gần hai thập niên, phim truyền hình Việt đang có những chuyển mình tích cực để hồi sinh.

Sự thoái trào

Nếu như cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, chúng ta đã từng có một thế hệ truyền hình “vàng” với các bộ phim gần như là kinh điển của truyền hình Việt như “Người Hà Nội”, “Những người sống quanh tôi”, “Người vác tù và hàng tổng”, “Chuyện nhà Mộc”, “Đất phương Nam”, “Mùa lá rụng” hay “Những nẻo đường phù sa”..., những bộ phim mà chỉ cần nhắc đến khán giả đã thấy thân thương và gần như thuộc nằm lòng trong trái tim công chúng. Ở thời kỳ đó, thói quen “xem phim truyền hình” gần như trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong mỗi gia đình Việt Nam.

Thế nhưng, bước sang thế kỷ XXI, cùng với sự đổ bộ của internet và công nghệ 4.0, văn hóa ngồi trước màn ảnh nhỏ dần trở nên xa lạ với công chúng. Thay vào đó, khán giả ưa chuộng phim chiếu rạp, hoặc các bộ phim trình chiếu trên các nền tảng công nghệ số hiện đại, nhanh và chủ động hơn trước.




“Về nhà đi con” trở thành hiện tượng ‘bom tấn’ của phim truyền hình Việt (Ảnh: VFC).

Điều này tất nhiên không chỉ lý giải bởi sự tiến bộ của công nghệ và sự thay đổi trong thói quen người dùng, mà quan trọng nhất, sau một thời kỳ “vàng son”, phim truyền hình Việt gần như rơi vào thoái trào với sự nhàm chán, lặp đi lặp lại của những bộ phim nhạt nhòa về nội dung, kịch bản yếu kém, khô cứng, sáo rỗng và không có tính đột phá, không có sự vận động để thay đổi.

Đến mức trong suốt hai thập kỷ đầu thế kỷ XXI, khán giả Việt gần như không thể nhớ nổi tên một bộ phim truyền hình thực sự hấp dẫn, may chăng chỉ có series “Cảnh sát hình sự” hay một vài sitcom mới nổi dành cho giới trẻ như “Nhật ký Vàng Anh”, “Cô gái xấu xí”... tạo được những tiếng vang nho nhỏ rồi dần bị quên lãng. Khắp các kênh truyền hình Việt ngập tràn phim của Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ...

Sự “thất sủng” của truyền hình cũng kéo theo hệ quả các bộ phim truyền hình trở nên lép vế hoàn toàn với các thể loại Điện ảnh, phim Độc lập, Web drama hoặc Gameshow... Suốt gần hai thập niên, phim truyền hình Việt bị gắn mác “chỉ dành cho người già” hay những bà nội trợ rảnh rỗi xem để giết thời gian. Nghệ sĩ và các nhà làm phim cũng không còn tha thiết với các bộ phim trên màn ảnh nhỏ.

Có thể nói, đây là một sự thoái trào vô cùng đáng tiếc cho những người làm nghệ thuật thứ 7 nói chung và phim truyền hình nói riêng tại Việt Nam khi mà chúng ta vốn có không ít nhân tài, những nghệ sĩ giỏi, nhưng lại rất ít “đất” để thể hiện, tạo nên một bối cảnh ảm đạm, buồn bã cho phim truyền hình.

Những “khởi sắc” mới

Tuy nhiên, trong vòng 3 năm trở lại đây, một vài những tia sáng le lói quay trở lại với “lãnh địa’ phim truyền hình tại Việt Nam. Những thành tựu mới đã tạo nên những cú hích mạnh mẽ cho phim truyền hình Việt.

Bắt đầu từ năm 2017, với sự xuất hiện của một hiện tượng phim truyền hình là “Sống chung với mẹ chồng” của đạo diễn Vũ Trường Khoa, phim gần như được xem là cột mốc đánh dấu giai đoạn chuyển mình của truyền hình Việt sau một thời gian khá dài khiến người xem mất niềm tin. Bộ phim đã một lần nữa kéo khán giả về lại với màn ảnh nhỏ vào mỗi buổi tối trong những khung giờ nhất định, tạo tiền đề cho những bước đột phá cho một kỷ nguyên phim truyền hình mới tại Việt Nam. Với “Sống chung với mẹ chồng”, khán giả Việt bắt đầu có những hy vọng mới mẻ cho sự hồi sinh trở lại của những bộ phim quốc dân, không phải chỉ dành cho những khán giả không còn lựa chọn nào khác, mà thực sự thu hút theo từng tập, để đến giờ chiếu phim, nhà nhà, người người “tự động” ngồi trước tivi hoặc các ứng dụng trực tuyến một cách háo hức và mong chờ.


“Nhà trọ Balanha” đang gây được cảm tình của khán giả trên khung giờ vàng của VTV Ảnh: VFC

Cũng trong thời điểm đó, hàng loạt các bộ phim khác cũng nối đuôi nhau lên sóng và nhận được sự phản hồi tích cực của người xem như “Người phán xử”, “Quỳnh búp bê”, “Cả một đời ân oán”, “Chạy trốn thanh xuân”, hay “Zippo, Mù tạt và Em” - bộ phim đầu tiên của VTV có thể vượt ratting của chương trình thời sự.

Và bước sang đến năm 2019 mới thực sự là một điểm sáng rực rỡ cho phim truyền hình Việt với bộ phim “bom tấn” “Về nhà đi con” có rating cao kỷ lục trong vòng 20 năm trở lại đây. “Về nhà đi con” cũng là bộ phim duy nhất khiến cho ứng dụng xem trực tuyến của nhà đài phải tạm ngừng hoạt động vì số lượng người xem quá lớn. Trên Facebook, fanpage của phim cán mốc hơn 950.000 lượt người theo dõi - con số kỷ lục với một bộ phim truyền hình Việt. “Về nhà đi con” cũng trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Google năm 2019 tại hạng mục phim truyền hình.

Thừa thắng xông lên, một loạt các bộ phim khác lên sóng cũng ăn khách không kém là “Hoa hồng trên ngực trái”, “Sinh tử’, “Tiếng sét trong mưa”, “Cô gái nhà người ta”, “Nhà trọ Balanha”...

Dường như, các nhà làm phim và cả các nghệ sĩ đang dần lấy lại phong độ và cảm hứng để sáng tạo và cống hiến cho khán giả những bộ phim có chất lượng chỉn chu cùng nội dung thú vị, hấp dẫn.

Phim Việt dần thoát khỏi lối mòn làm phim xưa cũ, “một màu” và “cường điệu hóa” với những ảnh hưởng nhiều từ sân khấu kịch. Phim truyền hình giờ đây đã phần nào tiếp cận gần với điện ảnh hơn, với lối làm phim hiện đại, gẫy gọn, hấp dẫn trong từng tập.

Với những nội dung thế mạnh về đời sống, gia đình, tâm lý, các biên kịch và đạo diễn đã tìm cách khai thác sâu hơn và tinh tế hơn, chau chuốt và tỉ mỉ từng câu thoại, góc máy, khiến cho các tình tiết phim trở nên gần gũi, nhiều cảm xúc hơn. Một mảng nhỏ là phim điều tra, phá án cũng đang dần được xây dựng một cách chuyên nghiệp, giàu “tính điện ảnh” hơn.

Cần có những chuyển biến dài hơi và bền vững

Nếu như điện ảnh, để sống được, cần dựa vào doanh thu phòng vé. Thì phim truyền hình, việc sống còn là rating. Và tất nhiên, yếu tố quyết định rating cao hay thấp, chính là khán giả.

Có lẽ cũng qua rồi cái thời công chúng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bật tivi để xem phim, thì giờ đây, khán giả luôn có vô vàn các lựa chọn từ rất nhiều các kênh trực tuyến khác nhau. Cho nên, thay vì chỉ cần làm phim và đưa lên sóng, “buộc” khán giả phải xem, thì giờ đây, trước sự thay đổi của thời đại, các nhà làm phim cần biết nghiên cứu và nắm bắt thị hiếu của công chúng nhiều hơn, sâu sát hơn.


Nhiều người lý giải sự ảm đạm của truyền hình Việt phần lớn đến từ sức ép của kinh phí, sức ép của rating, quảng cáo khiến phim truyền hình Việt bị co cụm lại trên các đài truyền hình lớn. Số lượng nhà sản xuất giảm rất nhiều, sản lượng phim mới cũng bớt xuống chỉ còn phân nửa, các nghệ sĩ trở nên chán chường, bế tắc, thiếu nhiệt huyến để sáng tạo.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, khó khăn là khó khăn chung của toàn xã hội, của thời cuộc, nhưng tâm thế và thái độ cho tác phẩm, là của mỗi tác giả, mỗi cá nhân, mỗi nghệ sĩ. Và, dù khó khăn, vẫn đã có những bộ phim hay ra đời, đến từ sự đam mê, yêu nghề, sự kiên định với tác phẩm. Đó là những cá nhân và êkíp thực sự đáng khen ngợi và ghi nhận (điển hình như “Về nhà đi con”).

NSƯT Nguyễn Quốc Hưng - Phó Giám đốc Hãng phim TFS - từng nhận định: “Phim ảnh bây giờ không có "cửa" cho những tay chơi nghiệp dư, làm phim theo kiểu chộp giật. Có thể nói rằng, một cuộc chơi mới đã bắt đầu, một trật tự mới được xác lập và tất nhiên, sẽ xuất hiện những tay chơi mới. Tất cả sẽ chỉ quy về 2 chữ "chuyên nghiệp" - chuyên nghiệp trong ý tưởng kinh doanh, thực hiện phim và cả trong cách PR, phát hành”.

Trong guồng quay không ngừng của xã hội, truyền hình Việt cũng cần có sự bắt nhịp và nỗ lực để thay đổi, không chỉ trong cách làm phim, mà còn cần đa dạng hóa cách phát hành, quảng bá, tiệm cận hơn đến giới trẻ, để những thành công mới sẽ đến, kéo dài một kỷ nguyên hồi sinh thực sự của phim truyền hình Việt, chứ không phải chỉ là “một phút huy hoàng ngắn ngủi rồi chợt tắt”. Và rõ ràng, khán giả Việt chưa bao giờ quay lưng lại với phim ảnh nước nhà, chỉ là đang mong đợi nhiều hơn những sản phẩm thực sự chất lượng và hấp dẫn.

Nguồn: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/su-hoi-sinh-cua-phim-truyen-hinh-viet-mot-cuoc-choi-moi-dang-bat-dau-808863.ldo