Thêm giỏ hàng
Bạn cần đăng nhập
Thêm yêu thích
Đã có trong yêu thích
Thay đổi thành công
Thêm so sánh
Đã có trong so sánh
So sánh tối đa 3sp
Tệp tin không hợp lệ
Rate thanh cong

Vì sao việc phát hành trực tuyến hiện nay là cần thiết để tối ưu hóa doanh thu?

Trong bối cảnh càng nhiều các tác phẩm bị hoãn hoặc ra rạp mà không đạt doanh thu cao như kỳ vọng, việc lựa chọn kết hợp phát hành trực tuyến được cho là giải pháp an toàn và tối ưu nhất cho nhiều mục đích của đơn vị phát hành.



Ngành công nghiệp chiếu bóng đã có tuổi đời hơn một thế kỷ với những hãng phim và đơn vị phát hành phim lâu đời. Hollywood là cái nôi sản sinh ra nhiều bộ phim đa dạng màu sắc từ tâm lý chính kịch đến hành động giải trí... Tuy nhiên, cùng với việc tăng cường những nội dung mới phục vụ khán giả, kinh phí sản xuất của các tác phẩm điện ảnh cũng vì thế mà bị đội lên nhiều lần.



Việc ra mắt một bộ phim ở thời điểm hiện tại tốn kém không chỉ tiền bạc mà còn công sức của rất nhiều con người từ ekip sản xuất, diễn viên đến khâu truyền thông, tiếp thị và phục vụ tiêu thụ cuối cùng. Theo ước tính, để quảng bá một bộ phim bom tấn ở thời điểm hiện tại, các nhà phát hành phải chi ra số tiền gần bằng hoặc thậm chí có trường hợp còn lớn hơn cả kinh phí sản xuất bộ phim. Chưa kể đến việc chia lại doanh thu bán vé cho nhà rạp cũng như trả lãi ngân hàng (do việc vay mượn tiền trong quá trình đầu tư), sự mất giá, chênh lệch tỉ giá đồng tiền... mỗi tác phẩm nếu càng bị trì hoãn thời gian phát hành càng lâu, mức yêu cầu doanh thu (ít nhất là điểm hòa vốn) sẽ bị tịnh tiến lớn dần khi mỗi ngày không thể ra rạp qua đi.

Năm 2020 chứng kiến một trong những thay đổi lớn của ngành công nghiệp chiếu bóng toàn cầu khi mà nhiều nhà rạp đã phải đóng cửa, cắt giảm nhân sự hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh. Khi người xem không thể ra rạp, các bom tấn lớn không được phát hành, thách thức đưa ra là làm sao vừa có thể duy trì tính hiện diện của mô hình kinh doanh hiện tại cho đến khi dịch bệnh qua đi vừa có thể chi trả những chi phí đắt đỏ như mặt bằng lớn, lượng nhân viên phục vụ nhiều và cả các hợp đồng sản xuất phim đã kí kết.


Ở Mỹ và một số quốc gia, những phương thức tưởng trừng như đã bị quên lãng như việc triển khai các mô hình bãi chiếu Drive-In cho phép người xem ngồi trong xe ô-tô để thưởng thức các tác phẩm điện ảnh được chiếu trên một màn hình ngoài trời một lần nữa được mở cửa trở lại. Mô hình này tưởng trừng đã chết vào những năm đầu thế kỉ 21 tuy nhiên giờ đây lại được xem như một cứu cánh tạm thời cho các rạp chiếu nhỏ lẻ ở nước này


Trong khi đó, ở Trung Quốc, việc triển khai những phòng chiếu an toàn với các cách sắp đặt ghế chẵn lẻ, giãn cách vị trí ngồi lần đầu tiên được đưa vào vận hành vào hồi tháng 3 năm nay. Dẫu vậy, lượng người xem quay trở lại rạp phim rất ít do những lo ngại dịch bệnh vẫn còn tồn tại. Càng hạn chế, tâm lý người xem càng bị ảnh hưởng.

Còn ở Việt Nam, tuy sự kiểm soát dịch bệnh tốt hơn và các rạp chiếu phim đã có quy trình mở cửa trở lại một phần từ tháng 5, tuy nhiên khó khăn đặt ra là việc thiếu hụt lượng tác phẩm hấp dẫn vẫn đang là thách thức lớn với toàn bộ các nhà rạp quốc nội. Nhiều bộ phim đến từ các nhà sản xuất nhỏ - ít tên tuổi vốn thường bị bỏ qua nay lại được săn đón nồng nhiệt. Các thị trường điện ảnh chưa được khai thác nhiều như Hàn Quốc, Thái Lan hay Pháp, Anh cũng trở thành điểm đến mới "mua sắm" cho các nhà phát hành phim trong nước.




Các đơn vị phát hành như CGV, BHD Star phải đóng cửa tạm thời các chi nhánh nhỏ, Lotte Cinema liên kết với đơn vị giao đồ ăn cung cấp các combo bỏng nước đến trực tiếp khách hàng trong khi Galaxy Studio triển khai dịch vụ xem phim trực tuyến trên nền tảng ứng dụng di động với giá thuê hấp dẫn...

Dẫu vậy, các biện pháp chuyển đổi kể trên chỉ là giải pháp tình thế - tận dụng các điều kiện hiện có, chưa đủ sức mang về điểm hòa vốn chứ chưa nói đến bước lợi nhuận có thể duy trì đà tăng trưởng cho các đơn vị phát hành.


Một giải pháp khác được tính đến và được xem như là biện pháp thúc đẩy thói quen tiêu dùng tốt nhất của các nhà phát hành phim hiện nay là đưa các tác phẩm lên môi trường trực tuyến (hay còn gọi là Video On-Demand, xem theo yêu cầu). Mô hình này thực tế không mới khi mà vào năm 2007, hãng Netflix - một trong những đơn vị kinh doanh cho thuê băng đĩa lớn nhất thế giới thông báo triển khai mô hình phát sóng trực tuyến các bộ phim trên nền tảng Internet tại Hoa Kỳ. 3 năm sau, đơn vị này ra mắt thêm dịch vụ tại Canada. Đến năm 2014, Netflix có mặt tại nhiều quốc gia phát triển trong đó có Vương Quốc Anh, Đức, Pháp... Dịch vụ hiện tại cũng đã có mặt tại Việt Nam với nhiều nội dung được đầu tư và nhắm thẳng đến từng thị trường riêng biệt.

Ở thời điểm ban đầu triển khai dịch vụ, mô hình phát hành trực tuyến của Netflix bị cho là kém thả thi và tồn đọng nhiều rủi ro bởi chi phí vận hành các server (nơi lưu trữ nội dung trực tuyến) quá tốn kém, chưa kể đến việc các đơn vị phát hành tại Mỹ vẫn ưa thích việc bán các bản Blu-Ray đắt đỏ tới tay người tiêu dùng nhằm thu thêm lợi nhuận hậu phát hành. Điều này cũng tương tự như tình huống của Youtube hồi mới triển khai dịch vụ.

Tuy nhiên, trái với mô hình kinh doanh dựa trên quảng cáo với các nội dung được cung cấp miễn phí từ người sử dụng và không phải trả phí bản quyền, Netflix thực hiện việc thu phí đăng kí hàng tháng từ khách hàng. Cùng với đó, hãng vung tiền kí các thỏa thuận phát sóng độc quyền các bộ phim lớn nhỏ từ điện ảnh đến truyền hình, mang chúng đến nhiều người xem ở khắp nơi trên thế giới. Doanh thu sau thuế năm 2018 của Netflix được báo cáo ước đạt 1.211 tỉ USD cho thấy tính khả thi của mô hình này trong thời đại công nghệ số lên ngôi như hiện nay. Điểm mạnh nhất của việc phát hành trực tuyến các bộ phim là lợi nhuận thu về sẽ tăng trưởng không có giới hạn trong khi chi phí bỏ ra nếu có thêm người xem gần như rất nhỏ.



Hãy hình dung, trong mô hình phát hành truyền thống tại rạp, với mỗi vé bán ra, đơn vị phát hành đều phải chia lại cho nhà rạp từ 40 đến 60% giá trị (tùy thỏa thuận ký kết). Trong khi đó, với việc xem trực tuyến, càng có thêm người đăng kí mới dịch vụ, chi phí vận hành các server càng được chia nhỏ cho đến khi lượng người đăng kí vượt qua mốc giá trị vận hành, đơn vị phân phối nội dung khi đó sẽ tăng trưởng lãi liên tục dựa trên các gói đăng kí hàng tháng của người sử dụng.

Như vậy mấu chốt của ngành stream nội dung trực tuyến chính là nằm ở lượng người dùng tích cực hàng tháng và lượng tài khoản đăng kí mới. Miếng bánh béo bở này ngày nay được chia ra nhưng chưa đến mức cạnh tranh quá khốc liệt bởi một người dùng có thể đăng kí nhiều dịch vụ cùng lúc để thưởng thức các nội dung khác nhau trên các nền tảng khác nhau. Giá thành cũng không có sự đánh đồng khi mà mỗi dịch vụ lại có một mặt bằng chênh lệch và người dùng lại thường có nhu cầu không giống nhau về nội dung họ mong muốn tiếp nhận.


Mới đây, giám đốc điều hành Warner Media (đơn vị sở hữu hãng phim Warner Bros và dịch vụ xem phim trực tuyến HBO Max) Jason Kilar đã có buổi phỏng vấn với tờ Deadline về kế hoạch phát hành trực tuyến của hãng trong tương lai.

Khi được hỏi về việc đưa Wonder Woman 1984 ra làm thí nghiệm cho kế hoạch tăng trưởng người dùng của HBO Max, vị này thẳng thắn trả lời là đồng ý. Jason cho biết việc đồng thời vừa phát hành trực tuyến vừa ra mắt tại rạp trong bối cảnh hiện tại có thể tối ưu hóa tính kinh tế cho tác phẩm. Lợi nhuận thu về có thể ở mức gấp đôi khi mà hãng dự đoán lượng người đăng kí mới sẽ sớm bị Wonder Woman 1984 hấp dẫn.


Nếu như trước đây, việc chủ yếu đưa các tác phẩm có nội dung kém và không có khả năng khai thác tốt tại phòng vé lên các nền tảng trực tuyến hoặc bán thẳng bản quyền truyền hình, thì hiện nay mọi chuyện đã thay đổi rất nhiều. Jason không ngần ngại lấy ví dụ về Hamilton - tác phẩm ca nhạc kịch được đánh giá cao từng được Disney ra mắt hồi tháng 6 trên nền tảng Disney+ của hãng. Rõ ràng, bộ phim đã mang về lượng người đăng kí mới nổi trội cho dịch vụ và thường được nhắc đến như là thỏi nam châm hữu hiệu nhất cho đến bây giờ của dịch vụ trực tuyến non trẻ này. Hay như với Netflix, hãng này đã liên tiếp đầu tư sản xuất nhiều series, phim điện ảnh có chất lượng tốt chỉ để trình chiếu độc quyền trên dịch vụ của mình.

Các nội dung này không chỉ giúp mang lại lượng người dùng mới tích cực ở thời điểm chúng ra mắt mà còn giúp thu hút cả những người biết đến dịch vụ sau này. Chưa kể, việc tận dụng kho dữ liệu người dùng và thói quen thưởng thức phim ảnh khổng lồ, các đơn vị cung cấp dịch vụ trực tuyến sẽ sớm tối ưu các nội dung mà họ sản xuất đồng thời lồng ghép được thêm nhiều các sản phẩm khác trong tương lai.

Jason nhấn mạnh việc, yếu tố lôi kéo người dùng tốt nhất hiện tại không nằm ở giá thành mà nằm ở chất lượng nội dung mà dịch vụ cung cấp. Anh tin tưởng Wonder Woman 1984 sẽ đáp ứng được yêu cầu đó.

Nguồn: https://cinematone.info/news/Vi-sao-can-phat-hanh-truc-tuyen-cac-bo-phim-de-toi-uu-doanh-thu.htm
Tags : KOCCA