Việt Nam có nguồn lực dồi dào
Trong cuộc thảo luận đánh giá về năng lực sản xuất phim hoạt hình tại Việt Nam, nhà sáng lập và giám đốc điều hành Công ty Sconnect – ông Tạ Mạnh Hoàng cho biết, có thể nhìn thấy ở Việt Nam có những lợi thế rất lớn như có nguồn lực dồi dào, người Việt Nam có khả năng thẩm mỹ tốt. Và khi vận dụng tốt về nguồn lực thì ngành phim hoạt hình rất phát triển, còn nếu không sẽ có nhiều thiếu sót và khó khăn. Hiện nay, Công ty Sconnect có gần 1000 nhân sự, mục tiếp theo mà công ty hướng tới là dùng đến 3000 nhân sự. Đồng thời, những đòn bẩy về công nghệ, các nền tảng mạng xã hội phát triển rất năng động là những cơ hội giúp cho các công ty phân tích kế hoạch phát triển, đào tạo, cải thiện năng lực nhân sự liên tục và đưa bản sắc văn hóa Việt nam ra toàn thế giới.
"Muốn thể hiện đầy đủ những bản sắc văn hóa riêng biệt của Việt Nam trong phim hoạt hình ra toàn thế giới, chúng ta cần phải làm sao để mọi người chấp nhận, tiếp cận với nó. Đặc biệt, chúng ta cần phải cân bằng những giá trị nghệ thuật, nhu cầu của khán giả và xu hướng phát triển, cần có những bước đi cụ thể trong xây dựng thương hiệu văn hóa" – ông Hoàng chia sẻ thêm.
Các công ty sản xuất phim hoạt hình Việt Nam
Đồng quan điểm này, bà Lê Quỳnh Như - Đồng sáng lập và quản lý của DeeDee Animation Stuido, cho rằng: "Chúng ta hoàn toàn có thể làm ra các bộ phim chiếu rạp dài 90 phút, muốn là chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Một số các bộ phận báo chí hay những bộ phận khác chưa nhìn thấy được tiềm năng từ phim hoạt hình nhưng chúng ta có chất lượng, có những người họa sĩ rất giỏi ngang hàng với các họa sĩ trên thế giới. Đơn vị chúng tôi đã có nhiều hợp tác quốc tế, đồng sản xuất phim với nhiều studio lớn khác trên thế giới và nhận được rất nhiều khách hàng khen ngợi, họ khen sự sáng tạo của họa sĩ Việt Nam. Vì vậy, phải khẳng định rằng nguồn lực của chúng ta rất dồi dào có thể tiến xa hơn nữa ra nước ngoài".
Bàn về trình độ và năng lực làm phim hoạt hình của nguồn nhân lực Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Anh – CEO của Freaky Motion chia sẻ rằng, năng lực chung của con người Việt Nam là rất giỏi không thua kém bất kì một nước nào nhưng có một vấn đề Việt Nam rất yêu là kỷ luật và đoàn kết. Chìa khóa quan trọng nhất để thành công là vẫn là văn hóa, cách hành xử và sự đoàn kết giữa các doanh nghiệp với nhau, giữa các doanh nghiệp và các hiệp hội điện ảnh.
Mong muốn có sự hỗ trợ của nhà nước
Mặc dù Việt Nam có tiềm năng rất lớn để sản xuất đưa phim hoạt hình vươn xa ra thế giới nhưng các doanh nghiệp, nhà sản xuất phim hoạt hình đều mong muốn có sự ủng hộ, hỗ trợ từ nhà nước.
Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Lý Phương Dung cho rằng, chúng ta có tiềm năng, tiềm lực để phát triển phim hoạt hình, tuy nhiên cần có sự hỗ trợ từ chính sách của nhà nước, không chỉ với những hãng nhà nước mà với những công ty tư nhân để phát triển chung cho phim hoạt hình.
Nhận thấy rằng trong lĩnh vực làm phim hoạt hình tại Việt Nam chưa có sự kết nối giữa các doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước, ông Tạ Mạnh Hoàng cho biết, Việt Nam có nhiều khó khăn trong sự phát triển phim hoạt hình vì chưa có sự hỗ trợ nhất định từ phía nhà nước. Ở các nước trên thế giới, đặc biệt là Hàn Quốc ngành công nghiệp điện ảnh của họ rất phát triển vì có sự kết nối giữa các doanh nghiệp và được chính phủ Hàn Quốc tạo điều kiện, hỗ trợ tổ chức các sự kiện đưa các doanh nghiệp ra toàn thế giới.
"Ngoài ra, với tư cách là một người làm nghề, là một người làm kinh doanh thì chúng tôi rất cần thị trường nhưng ở Việt Nam thì đầu ra chưa có, những người làm truyền thông cũng không có. Với như những nước khác khi tổ chức sự kiện sẽ có người làm việc trong chính phủ trực tiếp tham gia. Từ đó, tạo được sự uy tín và quan hệ gần gũi hơn với bạn bè quốc tế. Vì vậy, để làm ra được một bộ phim hoạt hình chiếu rạp dài 90 phút chúng tôi phải bỏ công sức rất nhiều không như các bộ phim điện ảnh khác nên chúng tôi rất cần nhà nước đưa ra một thị trường rõ ràng hơn cho phim hoạt hình" - ông Hoàng cho biết thêm.
Có đầy đủ về tiềm năng để phát triển nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn, Founder của Sun Wolf Animation Studio – ông Đình Kiều Tuấn Anh cho rằng, để làm một bộ phim công chiếu tại rạp, đưa ra thị trường thế giới chúng ta cần rất nhiều nguồn lực từ nhân lực, kinh phí, thị trường,… Dù khó khăn nhưng các doanh nghiệp vẫn đang làm và theo đuổi lĩnh vực này được hơn 10 năm. Nhưng nếu có những hoạt động xúc tiến, hỗ trợ từ nhà nước và sự hợp tác giữa các doanh nghiệp thì sẽ đi nhanh hơn, sẽ mang lại được doanh thu cho nhà nước cũng như quảng bá hình ảnh Việt Nam vươn tầm thế giới.
Ngoài ra, các đơn vị sản xuất, các doanh nghiệp làm về phim hoạt hình mong muốn nhà nước hỗ trợ không chỉ về sự kết nối, hợp tác, tạo thị trường mà còn hỗ trợ về chính sách thuế, đào tạo nguồn nhân lực. TS. Ngô Phương Lan khẳng định. Bởi vậy để không còn đơn độc trên con đường phát triển, lan tỏa hình ảnh, khẳng định vị trí của hoạt hình Việt Nam ra thế giới vẫn cần nhiều hơn nữa sự chung tay hỗ trợ, dẫn dắt có tầm nhìn tổng thể, dài hơi.
Nguồn: toquoc.vn