Thêm giỏ hàng
Bạn cần đăng nhập
Thêm yêu thích
Đã có trong yêu thích
Thay đổi thành công
Thêm so sánh
Đã có trong so sánh
So sánh tối đa 3sp
Tệp tin không hợp lệ
Rate thanh cong

Người dùng Việt Nam dành trung bình 6,5 giờ mỗi ngày trên internet

Mới đây, Akamai và Viettel IDC đã phối hợp phát hành sách trắng về ngành công nghiệp truyền thông Việt Nam năm 2020: "Việt Nam: Giữ chân khách hàng để tối đa doanh thu" (Vietnam: Customer retention for monetization), tổng kết sự thay đổi thói quen người dùng, xu hướng chuyển đổi mô hình cung cấp dịch vụ và thách thức với các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông tại Việt Nam.

Sách trắng "Việt Nam: Giữ chân khách hàng để tối đa doanh thu" dựa trên báo cáo của các chuyên gia ngành truyền thông khu vực Đông Nam Á nghiên cứu xu hướng phát triển của ngành ở những thị trường đang phát triển như Australia, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Trong đó, Việt Nam là một trong những thị trường có số liệu người dùng và mức tăng trưởng ấn tượng.

OTT PHÁT TRIỂN MẠNH: CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC CHO DOANH NGHIỆP VIỆT

Akamai cho biết lưu lượng truy cập internet quý 2/2020 tại Việt Nam tăng trưởng nhảy vọt, đạt mức 106% so với cùng ký năm trước. Ông Matthew Lynn – Giám đốc kinh doanh khu vực Nam Á, Akamai cho rằng: "Covid – 19 đã làm tăng nhu cầu đối với nội dung trực tuyến và dịch vụ internet ở mức không một tổ chức nào lường trước được."

Theo đó, mảng video theo yêu cầu (VOD) của Việt Nam được dự đoán đạt 105 triệu USD, trong tổng 324 triệu USD từ tất cả các mảng: Video games, ấn phẩm điện tử, nhạc số. Mức tăng trưởng hàng năm của mảng VOD được dự tính đạt 9,4% - cao nhất trong tất các các loại hình giải trí. Số liệu này xuất phát từ sự thay đổi trong hành vi trải nghiệm nội dung truyền thông của người dùng Việt: trung bình mỗi công dân Việt Nam từ 16 đến 64 tuổi dành trung bình 6,5 giờ mỗi ngày trên internet và chỉ khoảng 2 giờ dành cho TV, đặc biệt 95% người dùng dành thời gian để xem các video trực tuyến.

Thời gian trải nghiệm nội dung truyền thông của người dùng Việt từ 16 - 64 tuổi. Biểu đồ: Sách trắng "Việt Nam: Giữ chân khách hàng để tối đa doanh thu"

Theo Sách trắng, năm 2021 doanh thu từ việc xem video trên ứng dụng OTT khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sẽ ở mức 24 triệu USD, và tại Việt Nam OTT được dự đoán là một trong ba hạng mục dẫn đầu về tăng trưởng doanh thu quảng cáo. 

Thực tế cho thấy, tại Việt Nam điện thoại di động đang là thiết bị phổ biến nhất được dùng để truy cập internet, lượng người dùng di động thông minh tăng gấp đôi trong 5 năm vừa qua. Bên cạnh đó, wifi miễn phí có sẵn ở khắp nơi trong khu vực thành thị, đơn giá lưu lượng truy cập internet 3G/4G đang ở mức phải chăng và sự xuất hiện của 5G là những yếu tố khiến chiến lược "mobile-first" – ưu tiên thị trường di động, cụ thể là các dịch vụ OTT sẽ là chiến lược tất yếu.

PHÁT TRIỂN OTT NHƯ THẾ NÀO KHI MẠNG XÃ HỘI VẪN CHIẾM ƯU THẾ?

Theo Akamai và Viettel IDC, các doanh nghiệp cần tập trung vào việc củng cố mức độ trung thành, tăng quy mô khách hàng và tối ưu hóa việc truyền tải nội dung, với việc "thâm canh" trên các nền tảng mạng xã hội và hợp tác với các nhà mạng để phát triển và mở rộng kinh doanh trên tập thuê bao di động khổng lồ. Khảo sát cho thấy, ở giai đoạn thị trường tăng trưởng theo cấp số nhân như hiện tại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và xu hướng chuyển sang các hoạt động trực tuyến… thì các công ty truyền thông Việt Nam đều đang cố gắng hơn trong việc tìm kiếm cơ hội phát triển doanh thu và đầu tư mạnh hơn vào các hoạt động OTT. Họ đang nỗ lực tìm cách tăng tương tác hoặc cho ra mắt các tính năng mới để giữ chân khách hàng, họ cho rằng các tính năng hấp dẫn, khả năng tiếp cận và độ khả dụng sẽ là các công cụ kinh doanh chủ chốt.

Tuy nhiên những nỗ lực này gặp phải rất nhiều rào cản, khi các vấn đề về nội dung bản quyền và khả năng chi trả cho các nội dung trả phí của người tiêu dùng Việt vẫn đang bỏ ngỏ. Đây sẽ tiếp tục là một thách thức lớn cho các nhà cung cấp cho đến khi Viêt Nam có luật bản quyền cụ thể và có các công nghệ bảo mật phù hợp cho các doanh nghiệp truyền thông.

Thêm vào đó, những nguy cơ an ninh mạng đối với ngành công nghiệp truyền thông xuất phát từ đại dịch Covid-19 cũng khiến nhiều nhà cung cấp phải đau đầu. Theo thống kê của Akamai, mỗi ngày có hơn 10 triệu cuộc tấn công đối với ngành công nghiệp truyền thông trên thế giới. Mức độ tấn công trên các trang web video tăng 208% so với cùng kỳ năm trước, và đối với các dịch vụ video tỷ lệ tăng là 63%, truyền hình có mức tấn công tăng đến 630%.

Điều này bắt buộc các tổ chức truyền thông phải chú trọng vấn đề an ninh và bảo mật dữ liệu để đảm bảo tăng trưởng bền vững trong giai đoạn này."Content is king" luôn luôn là tiêu chí hàng đầu của các nhà cung cấp nội dung. Nhưng "content" – nội dung cần phải đáp ứng theo nhu cầu của người dùng: độc quyền, trải nghiệm tốt. Tại các thị trường phát triển như Australia và Châu Âu, các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình liên quan tới thể thao đã và đang chuyển dịch sang nền tảng số, thử nghiệm với tính năng hướng đối tượng mục tiêu nâng cao, tạo chiến dịch quảng cáo chéo giữa nhiều thiết bị và tính năng cá nhân hóa chỉ có trên OTT. Các buổi phát sóng ba chiều (3D) đã và đang được nghiên cứu trên các thị trường có sẵn  hạ tầng 5G, cho phép các nhà cung cấp nội dung kinh doanh với chất lượng phát sóng cao. 

Việc cân bằng giữa sáng tạo nội dung gốc và trải nghiệm xem chất lượng cao sẽ giúp mở rộng phạm vi khách hàng và mang lại những cơ hội kinh doanh mới. Ông Hoàng Văn Ngọc – Giám đốc Viettel IDC cho biết: "Ngành truyền thông Việt Nam đang nhanh chóng chuyển dịch theo hướng ứng dụng OTT và truyền tải nội dung theo nhu cầu, Viettel IDC cam kết cung cấp tới khách hàng trải nghiệm và tương tác người dùng cuối liền mạch, đồng thời bảo vệ họ khỏi các cuộc tấn công mạng và trường hợp vi phạm bản quyền nội dung tại Việt Nam."

Nguồn: https://vneconomy.vn/