Thêm giỏ hàng
Bạn cần đăng nhập
Thêm yêu thích
Đã có trong yêu thích
Thay đổi thành công
Thêm so sánh
Đã có trong so sánh
So sánh tối đa 3sp
Tệp tin không hợp lệ
Rate thanh cong

Kỹ xảo phim Việt

Những “phù thủy” hình ảnh
Một trong số những người đóng góp vào phần kỹ xảo đồ họa ở hậu trường bộ phim bom tấn Fast & Furious 7 với những pha hành động gay cấn là cô gái người Việt - Võ Ngọc Nhi, sinh năm 1989, cựu du học sinh ngành Digital Media chuyên về đồ họa điện ảnh, quảng cáo và truyền hình, hiện sinh sống tại Los Angeles, Mỹ.

Sau khi tốt nghiệp ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM), Võ Ngọc Nhi sang Mỹ học cao học thiết kế đồ họa năm 2010, rồi chuyển sang học thêm một bằng đại học nữa của Trường Otis College of Art and Design (Los Angeles). Cơ duyên cộng tác với đoàn phim Fast & Furious 7 đến rất tình cờ khi Nhi được phân công đảm trách một dự án từ đối tác của công ty mà cô đang làm việc. Nhi nằm trong nhóm chuyên viên đồ họa động, thiết kế giao diện tương tác cho những thiết bị điện tử và kỹ thuật số trên phim. Cái tên Nhi Ngoc Vo đã được ghi vào phần chạy chữ danh sách những người thực hiện Fast & Furious 7.

Anh Nguyễn Hữu Tú, sinh năm 1974, một người Mỹ gốc Việt nổi tiếng trong giới làm kỹ xảo 3D, từng làm việc tại Giant Studio và góp tên trong các phim 3D: The Polar Express (Tàu tốc hành đến Bắc cực), The Day After Tomorrow (Ngày tận thế)... với vai trò vận hành dàn máy motion capture (cử động trên máy tính). Tú mê vẽ, đam mê điện ảnh từ nhỏ và theo học ngành nhân chủng học tại University of Southern California, ngành đồ họa 3D tại The Art Institutes of California (Los Angeles), từng cùng đồng nghiệp làm phần cử động cho nhiều game nổi tiếng như: True Crimes, SWAT 4, X-Men, Jade Empire…

Năm 2004, anh bỏ việc làm đáng mơ ước tại Hollywood, trở về VN, gom tiền bạc mua một dàn máy motion capture, với hoài bão được đóng góp cho điện ảnh Việt. Anh đã từng làm kỹ xảo cho nhiều phim Việt, trong đó có Áo lụa Hà Đông, thực hiện nhiều phim hoạt hình nổi tiếng trong nước; và sẽ tiến hành vài dự án phim hoạt hình 3D sắp tới. Với Hollywood, sau khi làm kỹ xảo cho phim Captain America: Winter Soldier (Biệt đội siêu anh hùng: Chiến binh mùa đông), Big Show, Công ty Vinamation của Nguyễn Hữu Tú làm tiếp kỹ xảo cho các phim: Captain America: Civil War (Biệt đội siêu anh hùng: Nội chiến), Ghostbuster (Biệt đội săn ma), đã ra mắt toàn cầu vào năm 2016.


Ít ai biết phim bom tấn Ninja Rùa của đạo diễn Michael Bay có sự đóng góp của chàng trai người Việt - Nguyễn Minh Nhật (sinh năm 1992, hiện sống và làm việc tại TP.HCM) khi góp mặt ở khâu dựng hình, sử dụng hình chụp tham khảo và tái dựng những hình ảnh này trong không gian ba chiều để người làm khâu hiệu ứng kỹ xảo sử dụng đưa vào phim. Ngoài ra Nguyễn Minh Nhật đã cùng các đồng nghiệp góp mặt trong nhiều phim bom tấn khác như The Avengers 2, Star Wars…
Một gương mặt nổi đình nổi đám trong giới kỹ xảo người Việt nữa là Phùng Đình Dũng, sinh năm 1988, tốt nghiệp đồ họa 3D tại Đại học Bournemouth (Anh). Phùng Đình Dũng từng tham gia thực hiện kỹ xảo và tạo hình bối cảnh cho nhiều bộ phim Hollywood như Snow White and the Huntsman (Bạch Tuyết và thợ săn), John Carter of Mars (Chiến binh Sao hỏa), Skyfall: 007... Sau 3 năm làm việc tại Công ty kỹ xảo hàng đầu thế giới Double Negative (Anh), Dũng được một công ty quảng cáo của Đan Mạch mời về làm giám đốc mỹ thuật tại Hà Nội. Nhận thấy đây là cơ hội cho những dự định lớn hơn trong tương lai, Dũng trở về nước và bắt đầu hành trình mới, lập công ty chuyên về đồ họa hoạt hình 3D.


Phá tan hoài nghi về năng lực kỹ xảo việt
Hiện tại, điện ảnh Việt có không ít nhân lực và phim sử dụng nhiều kỹ xảo, phá tan những hoài nghi về năng lực người Việt làm kỹ xảo. Kỹ xảo do người Việt làm có nhiều bước chuyển đáng khích lệ. Khán giả dễ dàng bắt gặp những thước phim mạo hiểm rượt đuổi, cháy nổ, khói lửa hay hình ảnh thần tiên giả tưởng trong các bộ phim Ngày nảy ngày nay, Quyên, Thiên mệnh anh hùng, Siêu nhân X, hay mới nhất Siêu trộm với kỹ xảo hiện đại không thua kém các bộ phim nước ngoài do đội ngũ của công ty chuyên làm kỹ xảo Cyclo Animation tại TP.HCM thực hiện.
Nói về khả năng tham gia các dự án phim bom tấn, anh Nguyễn Hữu Tú đánh giá: “Chúng ta hoàn toàn đủ năng lực làm tốt nhất các yêu cầu từ đối tác Hollywood với tinh thần làm việc cao, sức sáng tạo miệt mài. Để phim Việt có được những kỹ xảo đẹp mắt như Hollywood, cái dễ là nhân lực đã có sẵn, nhưng cái khó là chi phí và thời gian mà các nhà sản xuất đầu tư cho phim. Bởi chi phí 1 cảnh làm cho phim Mỹ bằng tới 30 cảnh mà phim Việt trả cho những công ty kỹ xảo. Điện ảnh Hàn Quốc hơn điện ảnh Việt xa bởi họ có tiền để đầu tư, làm những phim lớn lên tới cả trăm triệu USD, có kinh phí làm kỹ xảo lung linh; Trong khi phim Việt kinh phí cao nhất chỉ trên 1 triệu USD thì làm sao chúng ta có được những thước phim với kỹ xảo gây choáng ngợp được”.

Đứng trước những khó khăn về kinh phí và kỹ thuật tạo lập kỹ xảo điện ảnh trong nước, Triển lãm Telefilm năm 2017 sẽ có những gian hàng trưng bày và trình diễn các bước tiến mới về mặt công nghệ và kỹ xảo điện ảnh. Quý khách và các doanh nghiệp tham dự sẽ có cơ hội được trải nghiệm những nội dung thú vị này từ ngày 8/6 đến ngày 10/6 năm nay tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn SECC.

Mọi thông tin và liên hệ đăng ký:
Email: telefilm@telefilm.vn
Hoặc số điện thoại: 0988 626 006 - mr. Nam Thanh







Tags : Telefilm 2018